Mẹo bảo quản giày nam trong mùa mưa nắng thất thường

Để trở thành người đàn ông thông minh, chu đáo, sạch thơm... Hãy học cách bảo quản giày.

Bạn có biết vì sao tâm lý phụ nữ hay được ví với thời tiết không? Vì thời tiết vốn rất bất ổn, có thể dự báo phần nào chứ không bao giờ biết chính xác 100%.

Lúc nắng nóng oi bức, lúc mưa gió nhớp nháp... nói chung là chẳng biết đường nào mà lần. Thứ thời tiết ẩm ương lại là kẻ thù số một của các loại giày (trừ ủng cao su). Mà một đôi giày tử tế đâu có ít tiền, đều là mồ hôi nước mắt của chúng ta cả.

Tình trạng mốc meo, bong tróc hay hơi ẩm sẽ gián tiếp khiến bàn chân bạn bốc mùi kinh khủng. Xin nhấn mạnh rằng, không ai thích thứ mùi đó cả.

Dưới đây là những mẹo tuy nhỏ nhưng lại rất có ích trong việc bảo quản giày dép khi nắng mưa bất thường:

Tránh làm ướt giày

Ảnh đẹp đấy nhưng chụp xong chắc xót đôi Vans lắm!

Trừ những tình huống bất khả kháng, mưa to không có chỗ trú... Hãy tránh tối đa việc giày dép bị ướt nước mưa.

Nếu không ngại mang nhiều đồ đạc lích kích, hãy chuẩn bị ủng đi mưa dành cho giày. Trông nó như thế này:

Nếu bạn đã từng vào tiệm tạp hóa xin túi nylon để bọc giày thì chính nó đây, nhưng là phiên bản nâng cấp với khóa zip, đế chống trượt và chất liệu cũng dày dạn khó rách hơn. Bạn có thể đặt mua ủng đi mưa dành cho giày tại đây với giá từ 10 - 12 USD.

Đa dạng hóa tủ giày, dành riêng một đôi để mang lúc trời mưa (hoặc tâm trạng xấu)

Không phải tự nhiên mà catalogue giày lại được chia thành vô số loại: Giày chạy, tập luyện, thời trang, bảo hộ... vân vân. Chính xác hơn, mỗi loại giày đều có mục đích sử dụng khác nhau.

Chắc hẳn bạn đã nghe đến khái niệm "beaters" - chỉ đôi giày bạn không còn nâng niu nữa, chuyên để mang đi "cày" bất chấp hoàn cảnh và thời tiết, đến khi nó quá tã thì bỏ đi. Việc chỉ sở hữu một đôi giày và biến thành beaters sẽ khiến nó nhanh hỏng hơn bao giờ hết.

Nếu một sáng thức dậy và thấy mây đen xám xịt, nên xỏ đôi beaters để đi làm/đi học cho chắc ăn. Còn những đôi mới sắm, hãy còn thơm keo nên để ở nhà, lúc nào nắng ráo hãy đi.

Dưới đây là một số mẫu sneakers "waterproof" phù hợp để làm beaters, chúng được trang bị khả năng chống nước nên mưa không quá to vẫn chẳng xi nhê gì. Đừng dại nhúng chúng xuống nước là được:

Nike Lunar Force 1 Duckboot 17

Đế Lunar êm ái, thân giày sử dụng chất liệu da chống thấm (water-repellent leather), ngoại hình cool-ngầu hơn cả Nike Air Force 1 bình thường.

adidas UltraBOOST ATR - "All Terrain"

UltraBOOST là cái tên không quá xa lạ nữa, mẫu sneakers đình đám này đã chiếm trọn cảm tình của người yêu thể thao lẫn thời trang. Nay adidas UltraBOOST ATR được nâng cấp thêm những yếu tố rất đắt giá: Thân giày Primeknit được phủ một lớp film mỏng giúp chống nước, đế cao su Continental bất chấp mọi địa hình...

Ví dụ tạm 2 mẫu đã, cùng quay lại chủ đề chính là bảo quản giày trong mùa mưa rả rích. Tuy nhiên, giữ rồi mà giày vẫn bị ướt thì làm thế nào?

Cách xử lý khi đôi giày của bạn bị ngấm nước mưa

Việc xử lý giày bị ướt phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu. Về cơ bản phải xử lý càng nhanh càng tốt, nếu vứt đôi giày ướt vào xó nhà hoặc gầm giường, chỉ sau một đêm sẽ có cả hệ sinh thái phát triển ở đó.

Những điều không nên làm khi giày bị ngấm nước mưa:

- Chụp ảnh đăng Facebook, Instagram: Cơ bản là không ai quan tâm đâu, cuốn vào vòng xoáy comment, reply sẽ khiến bạn quên mất đôi giày ướt sũng.

- Làm khô bằng nhiệt như phơi nắng, máy sấy tóc: Đây là một trong những phương pháp khiến giày bung keo hoặc bạc màu nhanh chóng.

- Chỉ vệ sinh bên ngoài rồi đem phơi: Khi ngấm nước mưa, đôi giày của bạn không chỉ bị bẩn bên ngoài mà cả bên trong nữa, như vậy là không đủ.

Những điều nên làm khi giày bị ngấm nước mưa:

- Xử lý ngay khi có thể, tuyệt đối không cuộn giày ướt vào túi nylon.

- Nếu đôi giày của bạn không làm từ da/da lộn, hãy giặt chúng ngay với nước sạch và dung dịch vệ sinh giày phù hợp.

- Với những chất liệu kỵ nước: Lấy khăn lau và thấm bớt nước bên trong lẫn bên ngoài đôi giày, dùng giấy báo, túi gạo... nhồi vào trong để hút ẩm. Cứ mỗi 5p thay một lần để làm khô cả trong lẫn ngoài.

- Sau mỗi lần giặt giày, nên phơi chúng trước quạt chứ không phải phơi gió tự nhiên. Tốc độ làm khô nhanh hơn của quạt máy sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi. Chú ý, với những đôi giày vải trắng trẻo của Converse, Vans... Sau khi giặt hãy thấm bớt nước, lấy giấy ăn bọc lại rồi mới phơi. Như vậy sẽ hạn chế được sự ố vàng trên vải.


Hotline nhận giá tốt
0984 489 989